Một cú bẻ lái gây ngỡ ngàng của thị trường trong phiên chiều nay (1/7) đã khiến phần lớn nhà đầu tư sững sờ.
Trong phần lớn thời gian giao dịch, VN-Index và HNX-Index vận động dưới ngưỡng tham chiếu, tuy nhiên, ở phiên chiều, đồ thị các chỉ số đồng loạt "dựng đứng".
VN-Index ngược dòng ngoạn mục, đóng cửa tại 1.254,56 điểm, ghi nhận mức tăng 9,24 điểm tương ứng 0,74%. HNX-Index tăng 0,98 điểm tương ứng 0,41% còn UPCoM-Index cũng thu hẹp biên độ giảm, chỉ còn điều chỉnh 0,24 điểm tương ứng 0,24%.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng giá. Trên cả 3 sàn, thống kê cuối phiên có 504 mã tăng, 21 mã tăng trần so với 375 mã giảm, 22 mã giảm sàn.
Top cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường (Nguồn: VDSC).Điểm trừ là thị trường đi lên trên nền thanh khoản thấp. Khối lượng giao dịch toàn sàn HoSE chỉ đạt 487,19 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch là 13.114,8 tỷ đồng; HNX cũng chỉ có 47,95 triệu cổ phiếu tương ứng 868,96 tỷ đồng và con số trên UPCoM là 38,79 triệu cổ phiếu tương ứng 702,2 tỷ đồng.
Diễn biến thị trường cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư trong quyết định giải ngân. Mặc dù bên bán ra có dấu hiệu đã cạn cung nhưng chiều mua, giới đầu tư chưa thực sự quyết liệt.
VRE trở thành cổ phiếu đáng chú ý nhất trong phiên đầu tháng 7 khi trở thành mã duy nhất thuộc VN30 tăng trần và là 1 trong 2 mã tăng trần hiếm hoi trên sàn HoSE.
Trong khi giao dịch thị trường trầm lắng thì mã cổ phiếu của Vincom khớp lệnh tới 13,7 triệu đơn vị, trong đó, khối lượng giao dịch tại mức giá trần là lớn nhất.
Có 3,93 triệu cổ phiếu VRE được khớp lệnh ở mức giá trần 21.850 đồng; đồng thời có 1,23 triệu khớp lệnh ngay sát mức trần 21.800 đồng. Điều này cho thấy nhà đầu tư sẵn sàng mua đuổi, chi trả giá cao trong phiên.
Hơn 3,9 triệu cổ phiếu VRE khớp lệnh ở mức giá trần.Bên cạnh đó, VN-Index cũng được hỗ trợ bởi mức tăng mạnh tại MWG. Cổ phiếu Thế Giới Di Động tăng 5,4% lên mức 65.800 đồng, khớp lệnh đạt 21,8 triệu đơn vị. MWG cũng chính là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường trong phiên hôm nay.
Cổ phiếu ngân hàng hầu hết tăng giá, trong đó, CTG tăng 3,2%; VPB tăng 1,9%; SHB tăng 1,8%; STB tăng 1,7%; BID tăng 1,5%; MSB và OCB tăng 1,4%; MBB, VCB tăng 1,1%... Riêng VPB và SHB lần lượt khớp lệnh 16,52 triệu và 16,12 triệu cổ phiếu.
Với diễn biến này, cổ phiếu CTG là mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index, đóng góp 1,34 điểm trong mức tăng 9,24 điểm của chỉ số chính; VCB đóng góp 1,26 điểm và MWG đóng góp 1,24 điểm. Tổng mức đóng góp của Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index đã là 8,5 điểm.
Cổ phiếu dịch vụ tài chính được dẫn dắt bởi VDS, FTS và AGR. VDS tăng mạnh 6,1%; FTS tăng 3,8% và AGR tăng 3,2%. Các mã còn lại như TVB, CTS, BSI, VCI, ORS, HCM tăng giá tích cực.
Nhiều cổ phiếu bất động sản đạt được trạng thái tăng tốt: Ngoài VRE thì nhóm này còn có HU6 tăng trần trên sàn UPCoM, ITC tăng 4,8%; EVG tăng 4,6%; FIR tăng 4,4%; TIG tăng 3,4%; HDG tăng 2,7%; HDC tăng 2,1%; HQC tăng 1,9%. Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đi ngược thị trường, giảm mạnh 4,8%; cổ phiếu SJS cũng giảm 3%.
Phiên này, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 772 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, khối này bán ròng hơn 791 tỷ đồng trên HoSE, tiếp tục tập trung vào FPT với giá trị bán ròng lên đến 249 tỷ đồng.